Lợi ích người tiêu dùng có đảm bảo khi điện, xăng, thuế tăng?

      Giá điện tăng 7,5% từ ngày 16/3, giá xăng, dầu trong nước vừa được điều chỉnh, cùng với đó, thuế bảo vệ môi trường (BVMT) dự kiến tăng thêm 300% từ 1/5.
   Điều này có tác động tới giá hàng hóa thế nào, lợi ích người dân có được đảm bảo hay không? Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long xung quanh vấn đề này?
Giá bán lẻ xăng trong nước vừa được điều chỉnh tăng hơn 1.600 đồng, đồng thời giữ nguyên mức trích vào Quỹ bình ổn (300 đồng/lít), nhưng mức chi quỹ giảm xuống (từ 2.448 đồng xuống còn 1.825 đồng/lít), ông nhận xét gì về lần điều hành này?
– Trong bối cảnh hiện nay, giá dầu thế giới đang phục hồi đi lên, DN kêu lỗ nặng, trong bối cảnh đó chỉ có 3 phương án xảy ra. Thứ nhất, giá xăng, dầu sẽ tăng mạnh để tương ứng với giá thế giới. Thứ hai, cơ quan điều hành sẽ cho DN xăng dầu sử dụng Quỹ bình ổn giá để bù lỗ nhằm giữ giá bán lẻ như hiện hành. Nếu sử dụng phương án 1 sẽ gây sốc trên thị trường bởi DN kêu lỗ 3.000 đồng/lít xăng dầu (tùy loại); còn phương án 2  sử dụng công cụ Quỹ bình ổn thì sẽ làm Quỹ mau cạn và giá dầu thế giới đang trong xu hướng hồi phục.
Cơ quan điều hành đã sử dụng phương án thứ ba là sử dụng đồng thời hai công cụ tăng giá một phần, phần còn lại bù đắp bằng việc sử dụng Quỹ bình ổn giá là hợp lý bởi sẽ giúp giá xăng tăng ở mức vừa phải, tránh gây sốc.
Tăng giá xăng trong thời điểm này có hợp lý hay không khi mà giá điện sắp tăng 7,5%, giá xăng tăng sẽ tác động thế nào tới giá cả hàng hóa và chỉ số giá tiêu dùng CPI?
– Tăng giá xăng là bất khả kháng vì giá thế giới đang cao hơn trong nước, kinh doanh xăng dầu sẽ lỗ. 70% xăng trong nước nhập giá thế giới, do đó buộc phải tăng giá trong nước theo. Chính ra phải xem xét việc tăng giá điện có hợp lý chưa, bởi với biên độ 7,5% chắc chắn sẽ tác động rất lớn tới mặt bằng giá hàng hóa, nhất là DN đang khó khăn, sẽ ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của DN và nền kinh tế. Tuy nhiên, trong tháng 3 chỉ có xăng, dầu là ảnh hưởng tới chỉ số CPI thôi bởi xăng tăng trước thời điểm 15 tháng này. Trong khi điện tăng sau ngày 15 sẽ được tính vào CPI các tháng sau.
Nhân cơ hội này đòi hỏi cơ quan chức năng phải kiểm soát theo dõi chặt chẽ, không để giá hàng hóa tăng quá mức so với giá nhiên liệu, tát nước theo mưa và phải có chế tài xử lý nghiêm minh.
Thuế BVMT với mặt hàng xăng dự kiến tăng từ 1.000 lên 3.000 đồng từ 1/5, nhưng Bộ trưởng Bộ Tài chính nói không ảnh hưởng tới giá bán lẻ trong nước bởi sắp tới theo lộ trình sẽ giảm thuế nhập khẩu xăng từ 35% xuống còn 20%. Ông nhận xét gì về việc thực hiện lộ trình giảm thuế của Bộ Tài chính?
– Trong điều kiện sức mua còn hạn hẹp cần đẩy mạnh tăng sức mua lên bằng cách giảm thuế, tăng chi tiêu thì cơ quan quản lý trước đó lại tăng thuế (tăng lên 35%).
Còn về thuế BVMT, thứ nhất, nếu nói thuế nhập khẩu giảm phải tăng thuế môi trường thì mục đích là không đúng, nói như một vị ở UB Kinh tế của Quốc hội ” lấy một loại thuế để bù đắp một loại thuế khác với mặt hàng đó thì có nên không?”. Thứ hai, việc tăng thuế môi trường lên 300% là quá sốc, quá cao (tương đương thêm 2.000 đồng/lít, so với giá bán hiện nay là tăng thêm trên 10%), trong bối cảnh hiện nay thuế phí đã quá lớn. Dù tăng từ 1/5 nhưng nếu các yếu tố khác không thay đổi, sẽ làm cho giá xăng tăng thêm tương đối lớn.
Theo Hiệp định thương mại tự do nội khối ASEAN (ATIGA), Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA) năm 2014, phải giảm thuế nhập khẩu xăng từ 35% xuống mức 20%. Tuy nhiên đến nay đã sang 2015 nhưng mức thuế vẫn là 35%.
Chưa kể theo số liệu năm 2014, mua của 3 khối trên mới là 4,6 triệu tấn, chiếm khoảng 64% tổng sản lượng nhập khẩu xăng dầu, còn lại là mua ngoài khối này. Mua trong khối này thuế nhập khẩu mới giảm, còn mua ngoài 3 khu vực này thì thuế nhập khẩu vẫn như vậy.
Theo tính toán, thu từ thuế BVMT mang lại để bù đắp hụt thu NS là 23.000 tỷ đồng, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu chỉ dùng trong BVMT, không dùng để bù hay chi vào các khoản khác. Vậy nên quản lý nguồn thu này thế nào?
– Thu được nhưng trong điều kiện Việt Nam còn nhiều vấn đề bởi phải sử dụng đúng mục đích, phải quy trách nhiệm, tuy nhiên Luật Ngân sách vẫn còn nhiều bất cập và kỷ luật ngân sách chưa nghiêm đòi hỏi phải có bộ phân cơ quan giám sát, như Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, bộ phận về môi trường cũng phải theo dõi vấn đề này…
Theo Bộ Tài chính, thuế BVMT đưa ra để hạn chế sử dụng buôn lậu và khuyến khích sử dụng xăng E5? Lý do này đưa ra khả thi không, thưa ông?
– Đưa ra nhiều lý do giá xăng, dầu Việt Nam thấp hơn nhiều trong khu vực là vô lý, để xảy ra lậu xăng dầu cái đó là có cơ quan chức năng quản lý, anh không làm được phải bị xử lý, kỷ luật.
Còn lý do xăng E5 nghe có vẻ hợp lý, bởi loại xăng này không phải chịu loại thuế môi trường nhưng việc xăng E5 có sôi động hay không lại khác. Người tiêu dùng còn thấy xa lạ với sản phẩm này. Muốn vậy, giá phải rẻ hơn nhiều chứ ít hơn không đáng kể so với xăng truyền thống sẽ khó thu hút người tiêu dùng. Tính toán của các DN xăng dầu cho thấy, chi phí kinh doanh xăng E5 theo giá nguyên liệu, vận chuyển… hiện cao hơn vài trăm đồng/lít so với kinh doanh xăng truyền thống. Ưu đãi thuế với xăng E5 nhưng DN có thực thi giá tương xứng hay không lại là vấn đề.
Xin cảm ơn ông!

Tin Liên Quan