Trong ngày làm việc đầu tiên tại phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), khai mạc sáng 11-8, các vấn đề nổi cộm nhất liên quan hai dự luật sửa đổi – Luật Đầu tư và dự Luật Doanh nghiệp đã được đưa ra bàn thảo, cho ý kiến. Đó làdanh mục cấm đầu tư, kinh doanh và đầu tư, kinh doanh có điều kiện trong dự Luật Đầu tư và việc thể chế hóa nội dung hiến định về “quyền tự do kinh doanh” trong Hiến pháp 2013 vào dự Luật Doanh nghiệp.
Danh mục cấm đầu tư: “Thúc” mà vẫn lơ
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho hay cơ quan soạn thảo yêu cầu các cơ quan có liên quan tiến hành rà soát các quy định của pháp luật về ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh và đầu tư, kinh doanh có điều kiện, xem xét loại bỏ các quy định bất hợp lý, gây cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, hiện nay danh mục trên vẫn đang phải chờ rà soát.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: “Nếu muốn thông qua được dự luật trên này thì phải rõ cái gì cấm, cái gì kinh doanh có điều kiện chứ không thể để trống”.
Khẳng định tinh thần của Hiến pháp là công dân được tự do kinh doanh ngành nghề mà pháp luật không cấm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cần sớm đưa vào trong dự thảo để TVQH thảo luận cho ý kiến. Ngoài ra, ông Lưu cũng tỏ ra băn khoăn khi dự thảo quy định những ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định. “Chúng ta quy định như thế nghĩa là ba chủ thể có quyền hạn chế kinh doanh. Trong khi đó Hiến pháp quy định muốn hạn chế thì phải theo luật. Do đó, cái này TVQH cần phải thảo luận để ban hành quy định cho phù hợp” – ông Lưu nói. Thừa nhận lẽ ra khi trình dự thảo Luật Đầu tư công ra UBTVQH phải có danh mục cụ thể về lĩnh vực cấm đầu tư, kinh doanh và đầu tư, kinh doanh có điều kiện nhưng Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho hay: “Có lẽ là phức tạp quá nên dù Bộ và Ủy ban Kinh tế đã có văn bản đề nghị nhưng các bộ vẫn không trả lời”.
Theo ông Vinh sau khi có nhiều văn bản “thúc” nhưng không thấy các bộ trả lời nên đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Sau đó Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản nhắc nhở các bộ, ngành nhưng đến nay mới chỉ có ba bộ là Quốc phòng, Tư pháp, Thanh tra Chính phủ trả lời, còn các bộ khác vẫn không trả lời. “Hay là UBTVQH có văn bản nhắc nhở các bộ” – ông Vinh nêu ý kiến và cho biết thêm, do không thấy các bộ gửi báo cáo nên ban soạn thảo đã phải tự rà soát và thấy có đến 368 lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, muốn loại bỏ điều kiện nào đó thì Bộ KH&ĐT phải tranh luận với các bộ, ngành. “Chúng tôi đang đương đầu với vấn đề rất khó và thời gian thì rất hạn chế. Nhưng sẽ cố gắng để đến tháng 9 có danh mục trình ra UBTVQH” – ông Vinh cho biết.
Dân chủ phải đi kèm kỷ cương
Về sửa đổi Luật Doanh nghiệp, theo quy định hiện hành doanh nghiệp đăng ký ngành, nghề kinh doanh và sau đó được quyền kinh doanh theo đúng ngành nghề đã đăng ký và được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, quy định như trên hiện không còn phù hợp với Hiến pháp. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị không ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng ngành nghề kinh doanh là biện pháp quản lý của Nhà nước. Nếu chúng ta không quy định thì người ta sẽ lách luật. Ông Hiện dẫn chứng, nếu quy định trên được thực hiện thì sẽ dẫn đến tình trạng cá nhân khi đăng ký kinh doanh chỉ nói là mở quán bán cà phê. Nhưng sau đó người ta chuyển sang làm sàn nhảy, quán karaoke, khi đó sẽ rất khó cho quản lý. “Nhà nước phải quản lý cái này chứ để như thế là tự do vô tổ chức” – ông Hiện đề nghị. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thì cho rằng dân chủ bao giờ cũng phải đi kèm với kỷ cương, pháp luật. Nhưng tôi lo là chúng ta dân chủ quá rồi lại buông lỏng kỷ cương.
Khẳng định những điều ông Hiện nói là đúng nhưng ông Vinh cho hay trong luật đã quy định và điều chỉnh đầy đủ những vấn đề trên. “Cái gì cấm thì đã cấm rồi. Còn cái gì có điều kiện thì phải có điều kiện. Còn những cái không cấm, không có điều kiện thì anh đều được làm, anh được tự do” – ông Vinh nói và giải thích về ví dụ mà ông Hiện đã nêu ra. “Hôm nay anh bán cà phê, ngày mai anh chuyển sang bán tạp hóa thì được phép. Tuy nhiên, khi chuyển đổi thì trách nhiệm của anh là phải thông báo để cho cơ quan quản lý biết và thu thuế. Nhưng nếu anh chuyển từ bán cà phê sang làm massage hoặc sàn nhảy hay làm gì thuộc lĩnh vực cấm hoặc có điều kiện thì anh phải chấp hành các quy định đó chứ không phải muốn làm thế nào cũng được.