Cân nhắc những tác động

    Thời gian mà nền kinh tế được hưởng lợi ích từ việc giảm giá xăng, dầu chưa được bao lâu (từ nửa cuối năm 2014 đến đầu năm 2015, giá xăng, dầu 14 lần điều chỉnh giảm) thì ngày 11/3, giá mặt hàng này đã quay đầu tăng mạnh trở lại – tăng hơn 1.600 đồng/lít.
   Và đây chưa phải là lần tăng duy nhất trong năm nay, bởi nếu không phải chịu tác động từ việc tăng giá trên thị trường thế giới (nếu có), giá xăng dầu trong nước cũng chắc chắn sẽ phải tăng nếu đề xuất tăng 300% thuế bảo vệ môi trường đối với mỗi lít xăng được áp dụng.
Lý do tăng mức thuế này xuất phát từ việc giá bán xăng, dầu trong nước thời gian qua giảm mạnh, khiến gia tăng tình trạng xuất lậu qua biên giới; số thu ngân sách giảm mạnh do giá dầu thô trên thị trường thế giới liên tục giảm. Việc tăng thuế bảo vệ môi trường cũng nhằm điều tiết tiêu dùng từ mặt hàng có tác động tiêu cực đến môi trường, và quan trọng hơn là bù đắp một phần giảm thu ngân sách…
Việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu là cần thiết, đặc biệt là khi Việt Nam đang hội nhập sâu hơn với thế giới, các quy định, yêu cầu về bảo vệ môi trường ngày một cao. Tăng thuế cũng đồng nghĩa với việc tăng ý thức sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn năng lượng tự nhiên hơn đồng thời cũng góp phần không nhỏ tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, điều quan trọng hiện nay là thời điểm áp dụng, mức thu rất cần được cân nhắc để tránh gây “sốc” cho nền kinh tế. Các DN, người tiêu dùng cần một lộ trình để dần thích ứng thay vì một mốc thời gian và một mức tăng cao đột ngột như đề xuất. Công tác điều hành, quản lý thu, chi từ nguồn thuế này cũng rất cần một cơ chế kiểm soát chặt chẽ, để nguồn tăng thêm thực sự hỗ trợ tích cực hơn cho việc bảo vệ môi trường chứ không phải để tăng nguồn bù chi cho ngân sách.
Theo tính toán sơ bộ, nếu việc áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường mới có hiệu lực, người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu thêm gần 25,3% so với mức phí đang chịu hiện nay áp dụng đối với mặt hàng này. Đó là con số không nhỏ rất cần được cân nhắc, đặc biệt khi mà dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế còn chưa rõ nét, số DN ngừng hoạt động vẫn ở tỷ lệ cao, giá cả nhiều loại hàng hóa dịch vụ rập rình chờ tăng trở lại, và giá điện, một yếu tố đầu vào quan trọng khác đã chính thức lên kế hoạch tăng 7,5% từ 16/3. Đây cũng là nội dung quan trọng được các đại biểu đề cập đến tại phiên họp của UBTV Quốc hội đang diễn ra. Đề xuất mức tăng 300% rất cần sự cẩn trọng, đưa ra những tính toán cụ thể về những tác động của nó tới sản xuất, tới thị trường, tới từng ngành kinh tế… Đó là điều mà đơn vị chịu trách nhiệm soạn dự thảo đề xuất trên đang nợ nền kinh tế, nợ người dân. Bởi nếu chính sách ban hành sai, nảy sinh tác động xấu sẽ là nguy cơ cho nền kinh tế đang trên đà phục hồi.

 

Tin Liên Quan